Chảy máu chất xám là tình cảnh chung của những người làm nhân sự, đặc biệt là trong các công ty nhỏ trước sự lôi kéo hấp dẫn của các “đại gia” khác. Đơn giản là vì các công ty nhỏ hơn không thể cạnh tranh được về tiền lương, lợi ích hoặc tên tuổi so với các công ty lớn, Việc tuyển dụng những người có chuyên môn giỏi đã khó, bây giờ bài toán cấp bách đặt ra là làm như thế nào để giữ chân họ được? Giữ chân nhân viên giỏi là chiến lược, không phải là biện pháp đối phó nhất thời.
Tạo danh tiếng doanh nghiệp
Danh tiếng công ty là nhân tố quan trọng giúp thu hút lao động bên ngoài, đồng thời giữ chân người giỏi bên trong. Henry Ford từng nói: “Nếu bạn không quan tâm đến danh tiếng của Doanh nghiệp mình thì thì đối thủ cạnh tranh sẽ quan tâm. Danh tiếng đang dần thay thế tài sản hữu hình trở thành tài sản quý giá nhất của mỗi công ty và CEO chính là vị trí chủ chốt có thể “đánh bóng” hoặc huỷ hoại tài sản đó.” Có nhiều yếu tố để tạo nên danh tiếng của một doanh nghiệp như kết quả hoạt động, môi trường làm việc, chất lượng sản phẩm và dịch vụ, khả năng điều hành doanh nghiệp, tầm nhìn của CEO và ban lãnh đạo… Các công ty vừa và nhỏ nên đẩy mạnh, củng cố danh tiếng của công ty mình, tạo nên một hình ảnh đẹp trong mắt ứng viên và nhân viên công ty.
Chính sách nhân sự minh bạch
Điều kiện tiên quyết để có được một đội ngũ nhân sự có chất lượng, gắn bó lâu dài là phải tuyển dụng và phát triển theo những tiêu chí khả thi đã đặt ra, nghĩa là phải được gắn liền với chiến lược tổng thể dài hạn của công ty. Bên cạnh công tác tuyển dụng, trong quá trình cộng tác, các công ty nhỏ cần phải luôn minh bạch, nhất quán trong chính sách nhân sự, công bằng trong đánh giá năng lực, tạo cơ hội phát triển cho nhân viên của mình. Để làm được như vậy, nhà quản lý cần phải tìm hiểu khả năng của nhân viên, điểm mạnh, điểm yếu để giao công việc hợp lý và đánh giá công tâm. Có như vậy mới tạo được lòng tin và sự gắn bó với công ty từ nhân viên.
Chế độ lương bổng hợp lý
Lương cao chưa chắc đã là yếu tố thu hút người tài, tuy nhiên mức lương quá thấp chắc chắn sẽ không đủ sức để giữ người tài lại công ty mình. Chính sách lương bổng phải công bằng, phù hợp với năng lực và đóng góp của từng người. Đừng bao giờ để cho nhân viên của mình cảm thấy rằng có sự không công bằng giữa các nhân viên, có sự đăi ngộ chưa tương xứng với công sức của họ cống hiến cho công ty.
Tạo cơ hội cho nhân viên phát triển
Một nhân viên chắc chắn sẽ không gắn bó lâu dài nếu ngày này qua này khác vẫn chỉ làm duy nhất một công việc nhàm chán và không có cơ hội được thể hiện, thừa nhận xứng đáng với công sức bỏ ra. Công ty cần phải tổ chức các buổi huấn luyện, chính sách thăng tiến để nhân viên thấy được cơ hội phát triển rõ ràng của bản thân. Hãy thuyết phục và tạo niềm tin cho nhân viên của bạn bằng một kế hoạch thăng tiến hấp dẫn. Hãy chỉ ra cho những nhân tài của bạn, họ sẽ ở đâu nếu tiếp tục gắn bó với công ty trong tương lai.
Đừng tiết kiệm lời khen
Khen ngợi và công nhận nỗ lực, cố gắng của nhân viên là cách giữ chân nhân tài hiệu quả. Vì vậy, đừng tiếc lời động viên, khen ngợi nếu biết được điểm mạnh, thành công của người khác. Điều quan trọng lời khen đó phải chân thành, hợp lúc, hợp nơi. Như vậy sẽ giúp sợi dây gắn kết giữa sếp và nhân viên trở nên bền chặt.
Phát triển và đào tạo đội ngũ nhân tài nội bộ
Hiện nay, nhiều công ty nhỏ chỉ sử dụng nhân lực chứ chưa có chính sách đào tạo cho nhân viên của mình. Nguồn tài chính có hạn cùng tâm lý coi đào tạo là một khoản chi phí cũng là nguyên nhân quan trọng khiến các công ty này khó giữ được những nhân viên có khả năng. Thực tế, chỉ có tăng cường đầu tư nâng cao năng lực nhân viên mới là giải pháp tối ưu giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Các công ty nên thiết kế và triển khai các chương trình nội bộ để phát triển đội ngũ nhân viên cả về chất và lượng.
Trao quyền cho nhân viên
Chắc chắn, các nhà lãnh đạo không thể một mình tạo nên thành công mà cần phải có sự giúp đỡ, ủng hộ từ các nhân viên của mình. Hãy mạnh dạn đặt niềm tin và trao quyền cho nhân viên của mình một số công việc nhất định. Việc tạo cơ hội cho họ được trải nghiệm và tìm ra những vị trí mà nhân viên của bạn thực sự có khả năng sẽ tạo động lực thúc đẩy nhân viên của bạn trung thành với tổ chức và hoàn thiện bản thân mình.
Xây dựng văn hóa gia đình
Có thể thấy thế mạnh của các công ty vừa và nhỏ so với các công ty lớn là quy mô nhân sự nhỏ, các thành viên có thể biết và gần gũi với nhau. Các nhà lãnh đạo nên tận dụng điều này để xây dựng nên mạnh văn hóa gia đình trong chính công ty. Hãy biến công sở thành gia đình thứ hai của nhân viên với các hoạt động gắn kết để giữ chân nhân viên. Khi họ cảm thấy công ty là gia đình, là một phần không thể thiếu thì đó chính là lực kéo giúp nhân viên của bạn tiếp tục gắn bó cùng doanh nghiệp.