Trên trang Google, khi nhập từ suicide (tự tử), lập tức, bạn sẽ thấy bên cạnh các kết quả tìm kiếm, xuất hiện một mẩu quảng cáo của Nike với khẩu hiệu: “Just do it” (Hãy làm đi!). Thật là bối rối khi đặt lời “khuyến khích” ấy vào trong nội dung tìm kiếm.

Trên tờ The New York Times, có bài báo tựa Malaysia Says Jet Went Down in Ocean (Malaysia cho rằng máy bay đã rơi xuống biển), bên trên bài báo này có mẩu quảng cáo iPad Air, hình ảnh một người nhái đang lặn khám phá đáy đại dương với chiếc iPad Air trên tay.

Đó là hai trong số những ví dụ mà ông Matt Kurlanzik, Giám đốc phụ trách quan hệ cấp chính phủ của Hãng 20th Century Fox, chia sẻ cho thấy đã xảy ra “lỗi” trong quảng cáo trực truyến (tại hội thảo về “Môi trường giải trí trực tuyến lành mạnh, an toàn – Giải trí sạch” vừa diễn ra tại TPHCM tuần trước).

Theo ông Matt Kurlanzik, chịu khó lướt các trang mạng giải trí trực tuyến không bản quyền, sẽ thấy những lỗi trên là rất phổ biến. Nhưng điều đáng nói là, ngay cả trên những trang web, báo chí chính thống, khách hàng là các nhãn hàng, bỏ tiền ra làm quảng cáo cũng không kiểm soát được hết vị trí xuất hiện có đem lại giá trị hình ảnh tích cực cho thương hiệu hay ngược lại, gây phản cảm.

bi-quyet-quang-cao-facebook

Ở Việt Nam, một thị trường quảng cáo trực tuyến mà theo các chuyên gia, hãy còn “hỗn mang”, nơi các trang web giải trí lậu (không bản quyền) đang cạnh tranh và chiếm ưu thế, nơi các trang trực tuyến chính thống chưa thực sự chuyên nghiệp trong thiết kế nội dung cho dịch vụ quảng cáo, thì những lỗi nói trên càng nhiều. Đơn cử, đầu tháng này, trong một bài tường thuật có tựa Thủy điện xả lũ đúng quy trình, biển nước nhấn chìm “nồi cơm” của bà con đăng trên báo T., trong khi bên dưới là hình ảnh những xóm làng, hoa màu ở Đơn Dương (Lâm Đồng), thì bên trên bài báo là quảng cáo dự án căn hộ cao cấp trung tâm quận 10, khuyến mãi tổng trị giá giải thưởng may mắn cho người mua căn hộ lên đến 14 tỉ và giữa bài báo là quảng cáo một dòng điện thoại “chuyên gia selfie”. Những mẩu quảng cáo tương phản với nội dung nói trên cung cấp một bức tranh về xã hội phân biệt giàu nghèo, cách biệt điều kiện sống thành thị – thôn quê gay gắt.

Trên trang báo Z., bên cạnh tựa bài Vì sao cả ngàn hộ dân từ chối hỗ trợ xây nhà tránh lũ?, xuất hiện mẩu quảng cáo du học với câu hỏi: “Bắt đầu bằng một chút mơ mộng”.

Khi những mẩu quảng cáo trực tuyến xuất hiện trong các bài báo, đôi khi tạo ra nội dung tương phản gợi những liên tưởng hài hước, nhưng cũng có khi các khẩu hiệu quảng cáo như gán vào trong các câu hỏi mà bài báo đặt ra với một phần trả lời phản cảm. Cũng có những thông điệp quảng cáo vô tình gợi ra các ý tưởng điên rồ trong không gian mà nó xuất hiện, điều này chắc hẳn khách hàng quảng cáo không thể nào ngờ tới (như trường hợp Just do it đã nêu).

Làm sao để hạn chế những trường hợp không mong muốn như thế? Phải chăng khách hàng cần đầu tư hướng đến những trang truyền thông có bản quyền và chính thống là có thể giải quyết được vấn đề? Không hẳn. Vì như đã nói, thực tế chứng minh rằng có quá nhiều mẩu quảng cáo “vô duyên” xuất hiện trên các tờ báo lớn và uy tín.

Vấn đề là đã đến lúc, muốn thu hút khách hàng, bản thân nhà dịch vụ quảng cáo trực tuyến phải có những cam kết trách nhiệm, chuyên nghiệp. Sự đứng đắn, hữu ích, hấp dẫn của nội dung thông tin của các trang tin, giải trí trực tuyến là một trong những tiêu chí mà những khách hàng quảng cáo cần xem xét nếu muốn hình ảnh, nhãn hiệu của mình được xuất hiện tử tế, phù hợp với phân khúc thị trường mà thương hiệu mình hướng đến.

Một điều quan trọng nữa, ngay trong việc đặt để quảng cáo trong các nội dung thông tin cũng thể hiện trách nhiệm của bên làm dịch vụ không chỉ với khách hàng quảng cáo mà còn với người tiếp nhận.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *